Friday, December 9, 2016

Bạch Lan: hội ngộ 40 năm nhìn lại

.
Con đường nằm giữa 2 trường ĐK và QH 
.
Hội Ngộ Đồng-Khánh Quốc-Học 40 Năm Nhìn Lại (Nov. 08/ 2015) 
.
Các Bạn thân mến, 
.
Cuối năm 2015 tại quận Cam, Đồng Khánh và Quốc Học hai trường liên kết tổ chức buổi họp mặt "40 Năm Nhìn Lại".
Phần mở đầu chương trình văn nghệ là một tiết mục nhộn nhịp rất hấp dẫn, màn vũ “Vũ cái Trống Cơm” của các em nhi đồng, thế hệ thứ ba ở bên ni. Mình xếp đặt để các em bé chào mừng các cựu học sinh Đồng Khánh Quốc Học, các thân hữu Huế, gặp nhau ở đất khách quê người. 
.
Những anh chị hiện diện trong buổi họp mặt đã lên chức ôn nội, bà nội, ôn ngoại, bà ngoại, có người còn được gọi là ôn bà cố nữa. Nhờ chức được lên cao nên sức khỏe cũng cao theo: cao máu, cao mỡ, cao đường, cao quá thì cũng phải xuống thấp, đó là thấp khớp.
Mình có nhớ một bài viết dí dõm đăng trên Tập San Nhớ Huế do anh Võ Văn Tùng chủ bút, rất tiếc không nhớ được tên người viết. Tác giả đã phân chia 3 loại người Huế:
- Huế Chay: Là sinh ra, lớn lên và chết ở Huế. Có tất cả những đặc tính của người Huế.
- Huế Lai: Là sinh ra tại Huế nhưng sinh sống ở nơi khác. Tâm tánh thay đổi theo người địa phương.
- Huế Chướng: Là bao gồm 2 loại người Huế trên, nhưng là tánh tình khó chịu, gọi là “chướng”, không biết có phải xuất xứ từ chữ “Chướng khí mịt mù”, nên tội cho ai đó ở gần bên cũng rất phiền muộn.
Hội trường hôm ấy chắc là đầy đủ hai thành phần Huế lai, Huế chướng.
Bốn mươi năm nhìn lại! Trùng trùng tưởng niệm. Một ngôi trường nữ sinh được vua Khài Định đặt viên đá đầu tiên xây cất vào ngày 15 tháng 7 năm 1917 đã bị xóa tên vào gia tháng 3 năm 1975.
Trường Đồng Khánh là thơ là mộng của xứ Huế. Là nét đẹp được vẽ trong tranh, diễn ra trong thơ trong truyện. Là một giai đoạn tốt đẹp của lịch sử đã bị xóa tan, tên trường Đồng Khánh chỉ còn là hoài niệm, chỉ còn mơ hồ đau nhức trong trí nhớ của một thế hệ đã gần cuối cuộc đời. 
Bốn mươi năm nhìn lại! Con cái Huế tản ra khắp 4 phương trời, hội nhập vào xã hội mới, cuộc sống mới. Hôm nay chúng ta lại có dịp ngồi với nhau tại vùng Nam Calif. nắng ấm bên ni Thái Bình Dương, còn bờ bên kia, cách nửa quả địa cầu, ven bờ Thái bình Dương ở đó có mảnh đất thân yêu nho nhỏ hình cong như chữ S. Nhớ thời còn đi học chúng ta thường say sưa tô vẽ trong giờ địa lý, vẽ xong mảnh đất hình chữ S, ở giữa chữ S chúng ta đã hãnh diện chấm một điểm vàng đề 3 chữ “H U Ê”.
Huế. Là nhớ, là thương, là tưởng niệm, là một thời áo trắng và mỗi ngày ngây thơ cắp sách đến trường.
Huế có hai ngôi trường trung học lớn, cổ xưa, đặc biệt, một dành cho toàn con trai, một cho toàn con gái, nhưng lại song song nằm cạnh nhau, cách 1 con đường. Trường nam tên Quốc Học, trường nữ tên Đồng Khánh. Hai trường cùng quét vôi màu hồng, nhưng năm tháng gió mưa, khí hậu ẩm thấp, màu hồng biến thành màu tím hồng, nhu nhã lạ mắt, các bạn không thể tìm thấy màu này ở bất cứ ngôi trường trung học nào tại miền nam trước 75.
Hai trường Đồng Khánh và Quốc Học cùng nhìn ra giòng sông Hương xanh mát, có bến đò Thừa Phủ hằng ngày đưa các anh, các chị qua sông đi học. Chiều chiều tan học hàng ngàn tà áo trắng tung bay qua cầu Trang Tiền, cầu Mới, cầu Bạch Thổ.  Áo trắng bay lên đàn Nam Giao, về ngả Bến Ngự, An Cựu hay bay về thôn Vỹ dạ, qua Thành nội, Gia Hội, Bao Vinh  ,,.... nhìn ra đằng sau là các thanh niên áo trắng quần xanh yên lặng theo gót nàng, cứ như thế trầm lặng, ngày qua ngày. Gió trên những con đường ấy đã cuốn đi bao nhiêu là mộng là mơ, là yêu là hận.
Chúng ta đã cùng chung nhau đội mưa đi học, mưa xứ Huế mình có khi dài hơn mấy tháng, nước ngập đường, ngập nhà, mỗi đường phố là mỗi con sông nhỏ, ruộng lúa nước tràn như con sông lớn mênh mông nhìn không biết đâu là bến bờ. Ai trong chúng ta mà không có lần lội nước lụt? lội nước lụt đi học, lội nước lụt trong những ngày nghỉ học vì nước lên cao. Ôi những mối tình thơ mộng thủa đó cũng cuốn theo giòng nước trôi ra bin Thuận An mất tiêu rồì.
Chúng ta đã cùng nhau bước trên những con đường nhựa nắng sôi sủi bọt. Những mùa thi cũng cực nóng, phượng đỏ rơi đầy đường, ban trưa thì ve sầu kêu vang vang, không vườn nhà nào mà không có?.
Những ngày cuối tuần đạp xe lên đàn Nam Giao, ngắm trăng rằm đồi Vọng Cảnh, thăm Đại Nội hoặc các lăng tẩm mộ vua, đi qua núi Ngự Bình hay về tắm biển Thuận An. Chúng ta cũng đã có những lần cắm trại, chơi trò chơi lớn dưới mái hiên chùa Linh Mụ, ngồi với nhau quanh những gốc thông già trong sân chùa Thuyền Tôn, chùa Từ Hiếu. Và chúng ta biết bao lần đã từng bơi trên giòng sông Hương trong những buổi sáng trong lành, những lúc hoàng hôn dần tối, hay những đêm tràn ngập ánh trăng rằm. Ôi, là Huế, là ký ức vô cùng đôi khi nhớ Huế là nhớ tuồi thơ...
Thế hệ của chúng ta trải qua nhiều cảnh tang thương, chứng kiến nhiều sự tàn khốc. Đau thương kinh hoàng của biến cố năm Mậu Thân 1968, năm đó ai cũng có người thân: cha, mẹ, con, chồng, vợ, chú, bác, bạn bè.... chết oan vì đạn lạc thì ít mà chết oan vì chôn sống thì nhiều như nhạc Trinh Công Sơn có lời sống động:
 Xác người nằm quanh đây phơi trên ruộng đồng,
Trong căn nhà đồ nát., bên mái chùa
Sau cái Tết kinh hoàng đó mỗi lần Tết đến ra đường, một thành phố Huế phủ màu tang, ôi làm sao quên được?, rồi Mùa Hè đỏ lửa 1972, xác người dân vô tội chạy vào Huế lánh nạn chết đầy đường vì nòng súng bên kia nhả vào, xác người nằm chồng chất lên nhau dọc theo quốc lộ 1 ai qua đó mà không kinh hãi, rụng rời? Bi thảm nhất là diễn biến mất miền Nam vào năm 1975. Và đau thương tiếp tục, âm ĩ tiếp tục khiến chúng ta phải bỏ nước ra đi.
Thế hệ của chúng ta, một nhóm người biệt xứ, “Tha hương ngộ cố tri," cố giữ lại cho nhau những gì đẹp đẽ của Huế một thời xa xưa. Vì đã trải qua quá nhiều ly loạn, cho nên một thời tuổi nhỏ an bình ai cũng muốn giữ, muốn nắm cho kỹ, bởi vì biết, một mai ký ức của thế hệ này mất đi, có còn ai nhớ Huế? Bốn chữ Đồng Khánh Quốc Học bao gồm tất cả những gì đẹp đẽ, hồn nhiên của một thời tuổi trẻ, “Hoa Bướm Ngày Cũ.” Không phải chỉ là hoa bướm ngày cũ của riêng học sinh Đồng Khánh Quốc Học, mà còn là hoa bướm ngày cũ của cả xứ Huế, nơi thường được gọi ba chữ thân thương "Cố Đô Huế."
Khi các em trình diễn, mình nhìn về hội trường bắt gặp những ánh mắt lóe sáng, đăm đăm nhìn các cháu. Phải chăng các anh chị đang thấy lại hình ảnh của riêng mình, hồn nhiên và thơ dại trên đất Huế thuở xưa?
 .
 Hình 1 em thiếu nhi đang múa
.
Sáng nay tự nhiên cảm thấy muốn tâm sự với các anh chị ở xa hay các anh chị ở gần nhưng không thể tham dự ngày kỷ niệm "Đồng Khánh Quốc Học Bốn Mươi Năm Nhìn Lại" (Tháng 11 ngày 8, 2015).  Mỗi tiết mục là một mảnh tình của các anh chị cựu học sinh Đồng Khánh Quốc Học, mỗi bài ca của các thân hữu xứ Huế đều gởi gắm mối thân tình thương Huế, thương quê hương Việt Nam mến yêu. Bốn mươi năm nhìn lại!  Đầy cả nhớ thương!
Hẹn gặp nhau trong ngày Kỷ Niệm Đồng Khánh 100 năm, Quốc Học 120 năm, vào năm 2017, các bạn nhé!
Thương chúc sức khoẻ, an lành.

Bạch-Lan.
(Calif. cuối năm 2015)
.
.
.
.
ĐK67 và Hội ngộ 40 Năm Nhìn Lại (Nov.08/ 2015)
Từ trái: Mộng Hoa, Thanh Vân, Bạch Lan, Kim Đôn, Kim Anh, Kim Nhung, Thu Lê, Hồng Phước, Lệ Huyền, Thu Thanh, Cúc Phương (ĐK69).
.
--0--
.
BL tái bút: YouTube dưới đây được record trong ngày Lễ Đền Hùng do anh Minh Trì chuyển đến, mình thấy họ quay rất đẹp nên chọn để mời các bạn xa gần thưởng thức.

Cám ơn anh Minh Trì luôn luôn là ông anh support BL trong những năm qua.
Các bạn vui lòng kéo xuống thêm, sau YouTube có vài hình ảnh văn nghệ cây nhà lá vườn ĐKQH.
.

..
..
Vài hình ảnh văn nghệ trong ngày 40 năm nhìn lại:

1Màn trình diễn của Đồng-Khánh 70: 
.
(Màn trình diễn của Đồng Khánh 70 do người đẹp lắm tài Phương Dụy điều khiển đưọc vổ tay tán thưởng nhiều nhất)
.

2Màn trình diễn của Đồng-Khánh 67: Vũ khúc Nụ Tầm Xuân (Thơ Nguyễn Bính, nhạc Phạm Duy.)
.
(Các bạn ĐK67 cười duyên nhiều hơn múa)
..
3Màn hợp ca của các chị ĐK và các anh QH: Trường Làng Tôi, nhạc và lời nhạc sĩ Phạm trọng Cầu.
.
.

4Ban tồ chức Đồng Khánh Quốc Học 40 Năm Nhìn lại, cũng là ban chấp hành Hội Ái Hữu QH ĐK Nam Calif..

..
..
Các bạn ở xa có nhận ra ai là bạn xưa của mình không?

Bạch-Lan