Bài viết của Lương Kim-Kê
(ĐK 67)
.
(Nguồn: Internet)
.
TÔI
LÀM BÀ NGOẠI
Thương con gái, cánh phụ nữ chúng ta không nề
hà gian khổ chăm con gái từ khi chúng nó có bầu cho đến khi sinh. Vạ vật
ở bệnh viện phụ sản, bới xách, ngủ gà ngủ gật dưới giường cho mẹ con sản phụ
đươc yên giấc, về nhà chăm mẹ xông hơ cho sau này cứng cáp, đi chợ lựa thức ăn
cho mẹ được nhiều sữa, rồi quạt lửa hơ háp cho bé, hơ mỏ ác, hơ "vuốt mũi
túi nậy," hơ nách sau lớn khỏi "hách nôi," hơ bụng cho ấm bụng
sau ít bi đau bụng, hơ "chim chóc" để lớn lên "cậu nhỏ,"
"em bé" thật đẹp đẽ...
.
.
Gặp đứa bé Bà Mụ
thương, ăn ngủ dễ dàng, gặp đứa "khó nuôi" bà ngoại chăm sóc trầy
trật khổ sở trăm bề, thức khuya dậy sớm, ơ hờ theo từng miếng ăn giấc ngủ.
..
Tôi làm bà ngoại của 4
đứa cháu ngoại, đứa lớn nhất bây giờ đã mười mấy tuổi, đứa nào cũng thuộc dạng
"cháu ghẻ" của Bà Mụ, nên thật khó nuôi, con gái tôi có tôi làm bà
ngoại, nhân tiện "tòi" thêm đứa thứ hai, cũng con trai, để tôi
"thăng hoa" thiên chức bà ngoại, thế là tôi "ôm sô."
..
Mỗi lần đi chợ, tôi
tay dắt đứa lớn, đứa nhỏ tôi địu như người dân tộc địu con rứa, may mà cái địu của tôi hòe hoa sói, nếu
không tôi cũng giống sơn nữ Fà Ca. Mỗi khi dẫn chúng đi, có người
không biết, hỏi "sao chị sinh dày thế" năm một hả? (đứa lớn hơi bị
đẹt). Tôi tức cuời trả lời, "bà ngoại chịu chơi đây chị
ơi." Người ấy ngạc nhiên, mà ngạc nhiên cũng phải, cách đây muời mấy
năm mặc dù làm bà ngoại, nhưng tôi cũng "chịu chơi lắm,
ăn mặc cũng trẻ trung, cũng "hoa hòe hoa sói (cho... hợp với cái địu
!). Còn bây giờ thì người ta chỉ hỏi: "bà nội hay bà ngoại
?" Nghe rứa tôi tủi thân dễ sợ, mà cũng đúng thôi, mười mấy năm rồi
còn chi !
..
Khi bạn bè nghe tin
tôi sắp có cháu ngoại đầu tiên, có người đùa:
..
"Ngày mai trong
chốn vui chơi ấy
Có kẻ theo
"chàu" (cháu), bỏ cuộc vui"
..
Tôi kich liệt phản
đối, "sức mấy! Con nó, nó lo đi chớ."
..
Thế nhưng, khi nhìn
đứa cháu ngoại bé bỏng, ngọ ngọe trong đống khăn, áo, vớ, mũ, trong lòng tôi
dâng lên một niềm vui vô bờ, và thế là lao vào "cuộc chơi" thiên chức
bà ngoại.
..
Tháng ngày dần qua,
chúng đã lớn dần. Nhìn đứa con gái thứ ba đã hơn ba muơi mà cứ nhởn nhơ
tung tảy, không chịu lấy chồng. Bạn bè nhiều người đánh tiếng làm sui,
tôi dục nó, nó nhặng xị: "mẹ kệ con mà..." Tôi còn dọa:
"không lo lấy chồng, sau này mẹ già, lấy chồng muộn, có con mẹ không chăm con
cho đâu nghe."
..
Rồi nó cũng chịu lấy
chồng, đám cưới xong tôi dục nó có con để tôi kịp chăm cháu trước khi tôi
"sụm bà chè." Nó câu giờ "từ từ mẹ, để con thong thả vài
tháng đã ..."..
Và rồi chịu nghe lời
tôi, nó có bầu. Vì nhỏ con (có thước năm mấy hà), lại lớn tuổi (32)
nên hành trình mang bầu cũng trục trăc lung tung, tôi thắt thẽo teo gan
teo ruột theo với hành trình thai nghén của nó. Khi sinh, phải sinh mổ, cháu bé
được 3,5 ký.
..
Một lần nữa, tôi lại
đâm đầu vào thiên chức bà ngoại. Cái thằng cháu ngoại bị dục dã này, muốn trả
thù bà ngoại hay sao á, mà cũng xin làm "con ghẻ" của Bà Mụ. Khó
ăn, khó ngủ, không chịu bú bình, thế là tôi hàng ngày, ngày 4 cữ cà kê dê ngỗng
đút từng muỗng sữa, cái thằng láu cá, ngậm một họng, lát sau phun ra cái
toẹt. Có hôm tôi chưa kịp đưa tay đấm cái lưng mỏi nhừ vì ngồi lâu, thì
hắn ọc sữa ra có vòi phun bằng mũi nữa mới "ác chiến" chứ.
..
Đó là chuyện ăn, còn
chuyện ngủ, cũng "ác chiến" không kém, hình như nhóc này không có nhu
cầu ngủ hay sao ấy, chơi suốt, tôi phải nằm cạnh dỗ ngủ bằng cách ầu ơ dí dầu
cầu "dán" đóng đinh.... , hắn không ngủ, chuyển qua hát nhac thiếu
nhi ''Bắt kim thang cà lang bí rợ.. kèo qua cột...," không ngủ, qua
nhạc tiền chiến, nhạc TCS, TCP v.. v , (Thời gian này có đợt thi "Tiếng hát
mãi xanh", mà mắc trông cháu chơ không tôi cũng đăng kí đi thi rồi, ngày mô
cũng luyện mà, tí xíu nữa là đối thủ hạng nặng của Duơng V. Vá, giải nhì THMX
)... cũng không ngủ, bó tay!
..
Có lần, cô bạn tôi kể
chuyện vui, vợ chồng cổ dỗ con ngủ, con chưa ngủ, nhưng bố đã ngủ, và tay thì
cứ vỗ đều đều vào... mông mẹ. Tôi cười ngặt nghẽo nói "mi
xạo". Nhưng chừ dỗ thằng cháu này ngủ, tôi mới biết là cổ không xạo.
..
Có bữa tôi cũng vỗ nhẹ
đều đều lên đùi thằng nhóc, vỗ hòai không ngủ, trong khi bà ngoại buồn ngủ thấy
mụ nội mà không ngủ được, thằng nhóc cứ ọ ẹ, tôi nhìn lại thấy tay tôi đang vỗ
lên chính đùi của tôi, hí.. hí... hèn chi, buồn ngủ dễ sợ. Có khi tôi phải
"ngủ đứng" hoặc "ngủ ngồi" nữa đó. Là vì khi dỗ nhóc
ngủ, nhóc hay nhìn vào mặt tôi, tôi nhắm mắt, giả vờ ngủ, lâu sau nó cũng
ngủ. Tôi thè thẹ ngồi dậy định đi, nó thức dậy, thế là tôi ''giữ nguyên
hiện trường," đứng (hoặc ngồi), mắt nhắm tiếp tục vờ ngủ đứng, ngủ
ngồi, mỏi quá trời.
..
Mỗi tuần tôi bị cấm
cung 5 ngày "giữ em" như thế, nên mỗi tuần vào ngày thứ Bẩy, Chủ nhật
là tôi "được trả tự do," chân tôi là chân đi (Có mụt ruồi dưới lòng
bàn chân), nên 5 ngày từ thứ hai đến thứ sáu là "Năm ngày đợi
mong." Mỗi cuối tuần tôi đều đi chơi, đi hát nghêu ngao ở phòng trà
ca nhac (tôi có "máu ác," thích tra tấn thiên hạ bằng giọng ca bết
bát của tôi), đi siêu thị, hoặc đi ăn sáng cùng bạn bè. Ở đâu có lời mời
là tôi cũng tham gia, ở bên bạn bè người thân, mỗi nụ cười, câu chuyện vui của
họ là nụ cười là niềm vui của tôi, tôi rât trân quí những buổi họp mặt thân
tình này.
..
Những tháng ngày làm
bà ngoại của tôi trôi qua như thế. Giờ đây đứa cháu ngoại thứ tư ra đời khi
tuổi tôi không còn trẻ, sức khỏe không như mười mấy năm trước, để
những lo toan vun vén cho con cho cháu là một sự chịu đựng chằng
đặng đừng, những tiếng khóc rền rĩ, nhõng nhẽo của trẻ con làm tăng "sì
trét". Nhưng thương con, khi đứa con gái rượu của người chồng
quá cố của tôi, không còn bố, tôi đã "bỏ nhiều cuộc chơi" để chăm lo
cho con gái đang rât cần mẹ bên cạnh, không ngại ngần chịu đựng những lúc mệt
mõi hao gầy. Khi chồng tôi còn sống cháu gái út này và ba cháu rất hạp
nhau, hai cha con thường hay thủ thỉ mỗi khi gặp măt, trong nhà một tay nó chăm
lo cho ba, kể cả ủi từng cái quần cái áo.
..
Có người nói, sao ta
phải lo cho nó, ta lo là nó ỷ lại, ta đã lo và cho nó cả cuộc đời rồi, bây giờ
tuổi ta là tuổi nghỉ ngơi, đi chơi đây đó, tháng ngày còn lại không còn
nhiều.
..
Ừ nhỉ! tôi cũng thấy
như thế, nhớ lại ngày xưa, bốn đứa con tôi không được có hơi ấm của bà ngoại.
Lấy chồng xa, vợ chồng tôi tự lo lấy mình, từ thời bao cấp, tem phiếu sổ gạo,
Đàlạt khi trời còn mù sương, vợ chồng thay nhau xếp hàng nộp sổ,
phiếu mua gao, cá thịt, vải (mùng) v..v. đi trễ là cá ươn thịt dỡ, có khi
hết hàng, là công toi. Nấu cơm bằng lò mạt cưa, sang hơn là bếp
dầu, không có lò vi sóng, bếp ga, máy giặt. v.. v. Ăn cơm độn bo bo, bột
mì .. . Có con nhỏ mới được mua thêm 5 kí gao, và vài lon sữa bò... đi hoc
chính tri mỗi hè, phải đem con đi gửi người này người kia, có khi phải đem theo
học chính trị luôn (mà răng chừ tụi con tui không giỏi chính trị mấy hè!)
..
Bây giờ lớp trẻ sướng
như tiên, văn minh hiện đại phục vụ đời sống tối đa thế, bếp ga tủ lanh, lò
viba, lò nướng, máy lạnh, máy nóng, máy tập thể dục.... lọan xà ngầu, Đi làm bằng xế máy, có đứa sang hơn, xế hộp
(thời bao cấp bố mẹ đi ca lô chân), nhà trẻ hà rầm, siêu thị đầy rẫy...
....
Thế mà chúng vẫn cần
thân già này nhỉ ! Có người chua chát: bà ngoại (hoặc nội) là ô sin 2
trong 1, tôi cho rằng 3 trong 1, vì vừa là osin, vừa là bão mẫu, vừa là bà
ngoại (nội).
..
Ăn cơm bụi, sợ
"không an toàn thực phẩm", gửi con nhà trẻ, sợ gửi nhằm "bàn tay
đưa nôi" (báo chí lâu nay đăng "bàn tay đưa nôi" đánh đấm
con trẻ không thương tiếc.)
..
Tuy nhiên, suy cho
cùng "làm bà ngoại" bây giờ, nuôi cháu
..cũng... sướng như tiên, vì thời bây giờ nuôi trẻ bớt vất vả, bởi phương tiện
bếp núc nấu ăn hịện đại, nhà có máy lanh mát mẻ v..v và v..v... so với hồi ta
nuôi con, sướng hơn nhiều.
..
Và riêng với tôi, đây
là cách thể hiện lòng thương con triệt để và thiết thực nhất:
..
Xôi nếp luộc, đường
mía lau.
Mẹ già canh cánh trước
sau nghẹn lòng!
..
Bài viết thân tặng những
ai đã làm Bà (nhất là bà ngoại), đang làm Bà và sẽ làm Bà..
..
KIM-KÊ (ĐK 67, B5, C2)
.
(post lại)
.
.
(post lại)
.
.
Từ trái: Kim-Kê, Thấy, Anh-Thư, Ngọc-Ấn và cháu nội.
(Saigon tháng 8/ 2016)