Monday, August 1, 2022

Chùa Xưa

Bài viết ca thy HÀ THÚC HOAH, cu giáo sư Trưng Đng Khánh, thầy giáo cũ dạy môn Việt Văn của ĐK67 chúng tôi.

..(Nguồn: Internet)
Chùa Xưa..
Có những ngôi Chùa xưa chỉ còn tồn tại trong sử sách hay thơ văn vì đã bị giặc ngoại xâm hủy hoại, thiên tai tàn phá hay chịu sự đổi thay theo lẽ vô thường. Một trong những cổ tự có số phận như thế là chùa Đọi đã được ghi tả qua bài thơ Đường luật dưới đây của Nguyễn Khuyến:
..
“Già yếu xa xôi bấy đến nay,
Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay !
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá,
Sư cụ nằm chung với khói mây.
Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy,
Thuyền ai khách đợi bến dâu đây.
Chuông trưa vẳng tiếng người không biết,
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây.”
.....
Bằng ngôn ngữ súc tích và thi vị cổ kính của bài Đường thi, Tam nguyên Yên Đỗ khéo vẽ nên cảnh “chùa xưa”, làm sống lại một nét đẹp đã trở thành truyền thống của Phật giáo Việt Nam và văn hoá nước nhà.
..
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) là một nhà nho hiển đạt, đỗ Tam nguyên, từng làm quan đến chức Tổng đốc. Với tinh thần tổng hợp, hoà đồng của người trí thức phương Đông, dù có một thời gian dài học tập và xuất chính theo quan điểm nhập thế của đạo Khổng, cũng giống như Nguyễn Công Trứ và nhiều nho sĩ khác, Nguyễn Khuyến tiếp nhận dễ dàng tư tưởng xuất thế của đạo Phật và chùa Đọi trở thành nơi chốn quen thân để tác giả đi về.
..
Chùa Đọi, tên Hán Việt là Sùng Thiên Diên Linh, được xây dựng trên núi Long Đọi thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, cách quê hương Nguyễn Khuyến là huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam chừng 10 cây số. Bài Chơi núi Long Đọi  của Nguyễn Khuyến có cặp đề và cặp thực diễn tả nỗi ngậm ngùi khi thấy chùa Đọi không còn như xưa :
...
“Hai mươi năm cũ lại về đây,
Phong cảnh nhà chiền vẫn chửa khuây.
Chiếc bóng lưng trời am các quạnh,
Mảnh bia thủa trước bể dâu đầy.”
..
Có thể nói khi sáng tác bài Cảnh chùa Đọi này, Nguyễn Khuyến cũng đã xa cách “nhà chiền” một khoảng thời gian dài hàng chục năm như thế. Cho nên khi gặp lại, nhà thơ không khỏi cảm thấy “buồn thay” vì tình người đối với cảnh thì “chửa khuây” nhưng cảnh đối với người thì đã đổi thay nhiều để trở nên quạnh quẽ :
...
“Già yếu xa xôi bấy đến nay,
Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay !”
..
Hai câu đề (câu 1 và câu 2) cho biết Nguyễn Khuyến sáng tác bài thơ này trong những năm tháng cuối đời, khi tác giả đã “già yếu”, đang sống cô đơn, vì “Bạn già lớp trước nay còn mấy / Chuyện cũ mười phần chín chẳng như.”
....
Theo thi pháp của bài thơ Đường, hai câu thực (câu 3 và câu 4) có nhiệm vụ nêu rõ đầu đề, diễn đạt ý chính của bài thơ là Cảnh chùa Đọi :
....
“Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá,
Sư cụ nằm chung với khói mây.”
..
Hình ảnh ngôi “chùa xưa” ở đây thể hiện rõ nét đặc trưng đã tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc của kiến trúc Việt Nam nói riêng và Đông phương nói chung. Đó là sự hoà hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình xây dựng của con người. Không giống nhà thờThiên Chúa giáo được người phương Tây xây cất với cái tháp chuông cao vút đơn độc vươn lên trời xanh như muốn chinh phục tất cả, chế ngự tất cả, ngôi chùa Phật giáo “ở lẫn cùng cây đá”, cùng tồn tại bên cạnh những biểu hiện khác của tạo vật để chung sống, hoà đồng với tất cả. Kiến trúc của ngôi chùa cổ Việt Nam phù hợp với lý tưởng sống của người Phật tử là vị tha vô ngã, quý trọng hoà bình, yêu thương đến cả cầm thú và cỏ cây.
..
Ngôi chùa, dù được tạo thành bởi nghệ thuật kiến trúc tối ưu và bằng những vật liệu hảo hạng, cũng chỉ là một khối gạch ngói vô tri, gỗ đá không có sức sống hay sắt thép cứng cỏi, lạnh lùng. Các tượng Phật dù to lớn, quý giá và đẹp đẽ đến đâu cũng chỉ là những biểu tượng. Sức sống, cái hồn của chốn già lam chính là phạm hạnh bậc chân tu… Với chùa Đọi trong thơ Nguyễn Khuyến, đó là “Sư cụ nằm chung với khói mây”. Theo nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu vì chùa Đọi được xây cất trên núi cao nên sư ông trú trì đã sống “chung với khói mây” . Hiểu theo nghĩa bóng, qua hình tượng “khói mây”, chúng ta tìm thấy đạo hạnh cao dày, lý tưởng sống xuất gia thoát tục của vị sứ giả chân chính của Đức Như Lai. ..
Chùa thì “ở lẫn” với cây và đá, sư thì “nằm chung” với khói và mây. Với hai hình ảnh gắn kết này, Nguyễn Khuyến muốn nói rõ mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống con người và thế giới tự nhiên. Cũng vì lẽ này, đi chùa đối với nho sĩ Nguyễn Khuyến còn là một cơ hội để sống giao hoà với cây cỏ xanh tươi và đất trời cao rộng, như những lần nhà thơ đến với “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” để ngắm “nước biếc”, “lá vàng” và “trời xanh” (4), hoặc “Chống gậy lên cao bước chẳng chồn” (5) để thăm núi An Lão.
......
Cũng vì mục đích đi chùa để vãng cảnh như đã nói trên nên ở hai câu luận (câu 5 và câu 6) Nguyễn Khuyến không miêu tả chi tiết cảnh chùa Đọi mà hướng cái nhìn xuống thấp để thưởng thức cảnh đẹp của làng quê trùng điệp một màu xanh là xanh trúc, xanh nước, xanh dâu:
....
“Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy,
Thuyền ai khách đợi bến dâu đây.”
...
Từ ghép “dặm thế” tạo cho bức tranh “chùa xưa” cái thi vị cổ kính, đồng thời biểu hiện tâm trạng thoát tục xuất trần của Nguyễn Khuyến khi lên núi cao để viếng cảnh chùa. Hai đại từ phiếm chỉ “đâu” và “ai” vừa tạo nét nghĩa nhoè cho thơ, vừa góp phần thể hiện cảm xúc thanh thoát, mơ màng của người ngắm cảnh. Ngôi chùa cổ thanh tịnh, vị sư già đạo hạnh và cảnh đẹp quê hương đã đem lại những giây phút an lạc và thảnh thơi cho vị lão thần liêm khiết đã sớm từ bỏ bổng lộc của triều đình để về quê nhưng vẫn còn nặng lòng với thế sự.
.
Ở hai câu kết, Nguyễn Khuyến trở lại với chủ đề Cảnh chùa Đọi để miêu tả một chi tiết đã được chọn lọc, một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên không khí tôn nghiêm mà không kém phần thanh thoát thơ mộng nơi cửa thiền. Đó là tiếng chuông chùa êm đềm, thong thả, ngân nga:
...
“Chuông trưa vẳng tiếng người không biết,
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây.”.
....
Vào buổi trưa, tiếng chuông chùa từ xa “vẳng” lại, chẳng những không làm cho cảnh vật trở nên ồn ào náo nhiệt mà còn làm cho phong cảnh nơi đây thêm phần im vắng, tĩnh mịch. Đó là âm thanh của im lặng. Âm thanh này không quấy rầy giấc ngủ của mục tử mà góp phần làm cho giấc nồng của mục đồng trở nên sâu lắng hơn.....Hai câu kết này vừa đóng vừa mở: đóng lại bức tranh vẽ cảnh chùa và mở ra cho chúng ta những cảm nghĩ miên man về hạnh phúc của con người và con vật khi môi trường sống còn được gìn giữ. Rừng chưa bị huỷ diệt nên người chăn trâu có thể tìm được giấc ngủ thần tiên dưới bóng mát của cây xanh. Cây xanh chưa bị chặt phá thì đất không bị xói mòn, thảm cỏ tươi non vẫn còn đó để trâu nhẩn nha gặm cỏ. Và trâu có nhẩn nha gặm cỏ trên “sườn non” thì người giữ trâu mới có thể ngủ một giấc ngon lành dưới “gốc cây”.
..
Đọc hai câu thơ gợi mà không tả này, chúng tôi nhớ lại cảnh trong một phim truyện nói về số phận người dân sinh sống trên vùng đất đang bị sa mạc hoá ở Mễ Tây Cơ. Ở đó không có bóng mát của cây cao, chỉ có những cây xương rồng trơ trụi và những bụi cỏ nhỏ mọc rải rác, thưa thớt, cao không quá móng chân cừu. Kiếm ăn trên vùng đất sỏi đá khô cằn ấy, những đàn gia súc không đi mà chạy, phải chạy thật nhanh thì mới có thể gặm được một số lượng cỏ đủ no cho một ngày. Đàn gia súc chạy qua và để lại một đám bụi mù mịt, sau lớp bụi mờ dần dần hiện rõ hình ảnh chàng mục tử người Mễ với chiếc mũ rộng vành. Giữa cảnh bao la vắng vẻ của vùng đất rộng đang trở thành hoang mạc, để làm nguôi khuây nỗi cô đơn của chàng trai mới lớn, mục đồng cất tiếng ca trầm buồn mà vang vọng bày tỏ lòng thương nhớ rừng cây, đồng cỏ và đồng thời nói lên nỗi xót thương cho thân phận của mình :
..
“Hỡi rừng cây !
Hỡi đồng cỏ !
Hãy cho ta bóng mát làm lọng che đầu cho nàng,
Hãy cho ta bãi cỏ xanh lót dưới chân người đẹp,
Hãy cho ta bông hoa đầu mùa kết thành tràng hoa ngày cưới …”
....
Có làm một liên hệ ngoài văn bản như thế chúng ta mới thấu hiểu hạnh phúc tuyệt vời của con trâu và chàng mục tử trong bài thơ Cảnh chùa Đọi của Việt Nam. Từ đó chúng ta nhận biết việc giữ gìn cỏ cây nói riêng và bảo vệ môi trường sống nói chung là quan trọng và khẩn thiết như thế nào
....
Nói chuyện “chùa xưa” không thể không nhắc đến “chùa nay”.

Tết nguyên đán này, trên mọi miền đất nước, hàng triệu Phật tử Việt Nam đã đi chùa, thắp nhang thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn. Trong số hàng ngàn tự viện ấy, ấn tượng nhất là những ngôi chùa Huế có khuôn viên rộng rãi rợp bóng cây xanh và những thiền viện do Hoà thượng Thanh Từ sáng lập, các đệ tử khai phá, xây dựng trên cả ba miền đất nước. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc, Canada, Nga, Ba Lan, Ukraina,v.v. nhiều ngôi chùa Việt đã được xây cất để trở thành địa chỉ tâm linh và văn hoá của hàng vạn người Việt Nam xa xứ. Thật đáng vui mừng khi thấy sự phát triển về số lượng của những ngôi chùa Việt ! Thế nhưng, vào thế kỷ V trước Tây lịch, khi chưa xuất hiện hình ảnh ngôi chùa, Phật tổ đã chứng đắc đạo vô thượng dưới gốc cây bồ đề và nhập niết bàn trong trong bóng mát của hàng cây sa la. Ngôi chùa dù nguy nga tráng lệ đến đâu cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ cho sự tu tập của Phật tử. Phật dạy kẻ chấp phương tiện không khác gì người đã qua được sông nhờ bè mà vẫn còn đội cái bè trên đầu để tiếp tục cuộc hành trình! Cho nên, khi chốn già lam đã xuống cấp mà không đủ duyên để dựng chùa lớn thì nên hoan hỉ xây chùa nhỏ, để tránh tình trạng việc thi công phải kéo dài nhiều năm vì thiếu tịnh tài, còn vị trú trì thì phải “nằm chung” với gạch gỗ, xi măng, sắt thép và đủ loại phiền não.
...
Hà Thúc Hoan 
.
22.01.10
.
(post lại)