Wednesday, March 3, 2021

Cò Ơi

Bài viết của TRẦN BẠCH-LAN (ĐK 67)  .

Bạch-Lan 
(Nam Cali / 2020)
Cò Ơi

Công viên xanh mát Yorba Regional Park có con đường dành riêng cho xe đạp hướng Tây Nam chạy thẳng xuống biển Huntington dọc theo dòng sông Santa Ana. Con sông này được mệnh danh là Dòng Sông Cát, mà quả thật vậy khi lái xe trên xa lộ 57 hướng Nam đến xa lộ 22, nhìn lòng sông chỉ thấy cát và cát. Cát nhỏ nhoi, cát miệt mài, trải dài thành một con sông.

Trời Cali nắng ấm, vừa đạp xe vừa hít thở không khí trong lành, thoang thoảng mùi thơm lá khuynh diệp đâu đây rất hiếm khi cảm giác được sự an bình trong tâm kể từ khi mùa đại dịch Vũ Hán đầu xuân Canh Tý mọi người đều phải sống cách ly. Nhiều tháng dài liên tục suốt ngày quanh quẩn trong nhà đọc tin tức xa gần mà buồn xo. Thế giới bây giờ, con người chỉ còn biết “ngồi nhớ thương nhau” bởi vì không thể gặp nhau.

Một mình đạp xe dọc theo con đường uốn lượn, vừa ra khỏi công viên là đã có thể nghe được tiếng nước chảy rì rào hòa với tiếng xe chạy trên xa lộ 91 hướng Tây phía bên kia sông.  Khoảng sông ở vị trí này nhìn không lớn lắm vì lau sậy mọc đầy hai bên, vài con cò trắng đang tĩnh lặng đứng yên rình mồi. Xa xa từng đàn vịt không ngừng di chuyển ngược xuôi, thỉnh thoảng kêu lên vang dội. Có lẽ vì muốn bảo vệ sinh thái nên khúc sông trên này có nhiều đập ngăn chặn nước từ trên núi đổ về con nước dài cả 6 dặm, nhờ vậy cá, vịt, chim , cò, ...có nơi sinh sống, thoải mái kiếm ăn hằng ngày.

Bỗng nhiên trong lòng thấy nhẹ nhàng và đầy hoài niệm, hình ảnh quen thuộc như ở vùng quê xứ mình, hình ảnh của những tháng ngày ngây thơ và vui vẻ. Những ngày hè theo mẹ về quê ngoại, lạ lùng vui thú đi trên con đường đất song song con lạch nhỏ từ đầu đến cuối làng, tò mò nhìn ngắm thiên nhiên đồng ruộng. Kỳ lạ thật, cứ mỗi khi nhớ về quá khứ thì lại thấy thấp thoáng hình ảnh ấm áp của mẹ.

Đi thêm khoảng 5 dặm thì ô kìa trước mắt một đàn cò trắng khoảng vài chục con đang tụ lại kiếm mồi như hình dưới đây:



Bỗng nhiên không muốn đạp xe nữa, mỉm cười nhớ lời bản nhạc “Cỏ Hồng” dễ thương của cố nhạc sĩ Phạm Duy do nữ danh ca Thái Thanh (mới qua đời cách đây vài tháng) hát trên YouTube  “‘’Hãy vứt chiếc dép,  Bước đi trên cỏ mềm…”   Phút giây hiện tại thì xin vứt chiếc xe đạp qua một bên, leo xuống mấy phiến đá lớn sát bờ sông ngồi thong thả hạnh phúc ... ngắm cò..
.

Cò trong mắt mình từ lâu đã là con vật xinh đẹp hấp dẫn nhất. Cò có bộ lông màu trắng tinh khiết, chân cao mảnh khảnh, cổ dài, thân gầy (Đố ai tìm được một con cò nào mập?).  Hình ảnh con cò đứng một chân trên phiến đá, đầu cổ ngẩng cao lên nhìn ra biển rộng mênh mông, biển và trời cùng một màu xanh ngát. Màu xanh biển trời hoà nhập làm một tạo thành bức tranh mênh mông bát ngát vô tận khiến mình cảm thấy nhỏ bé, khiêm nhường trước vũ trụ bao la nhờ vậy dễ dàng chấp nhận những chuyện xảy ra quanh ta khiến tâm hồn tự do cởi mở hơn. Hình ảnh cò là biểu tượng tự tại, vượt ra ngoài mọi giới hạn ràng buộc mà ta thường hạn định lấy chính mình đó là phần quán tưởng giúp ta chuyển hóa trong môn Tài Chi Càn Khôn Thập Linh* ở tư thế con Cò, hình ảnh vừa nêu trên kèm theo khẩu quyết:

 "Chiếu phá điểm mù

 Rỗng tâm tiếp thọ

Nhẹ nhàng tha thứ." 

.

Càng ngắm nhìn đàn Cò thì lại càng nhớ đến bài ca dao khổ sở của thân Cò.

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm

Lộn cổ xuống ao.

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào

Ông hãy xáo măng,

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục

Đau lòng cò con”. 

Cò Mẹ lặn lội khổ nhọc vì con đã đành. Cò niên thiếu vất vả cả đời vì ai? Con Cò gánh vác trên vai trách nhiệm của bao nhiêu cuộc đời, có ai bận tâm nhớ đến mà xót thương không?

 “Con cò lặn lội bờ sông

Ngày Xuân mòn mỏi, má hồng phôi pha”.

 “Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?

Cò về thăm quán, thăm quê

Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm anh.

 “Nước non lận đận một mình

Thương cò lên thác xuống ghềnh bấy nay”. 

Phương Vương đã ngậm ngùi nhắc đến Cò Mẹ:

“Con cò mà cõng nắng mưa

Mẹ tôi đã cõng bốn mùa gió sương

Vì thương đàn con thơ ngây

Mẹ tôi chẳng quản thân gầy tháng năm

Đêm ngày bận rộn khắp nơi

Vai mang đôi gánh chơi vơi giữa đời

Như cò mò cá bắt tôm....” 

Chế Lan Viên cũng nhắc đến thân Cò:

“Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời thơ mẹ hát,

Có cánh cò đang bay;

‘’Con cò bay lả

Con cò bay la

Con cò cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng’’.

Cò một mình cò phải kiếm lấy ăn

Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ.

‘’Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ

Cò gặp cành mềm

Có sợ xáo măng’ .... 

JB Nguyễn Hùng & Nguyễn Nữ Minh Hiếu có hai câu rất cảm động;

Thân cò lặn lội bờ ao

Mẹ tôi ướt đẫm mưa rào gió sương.” 

Nguyễn Công Trứ cũng có hai câu thơ khó quên;

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non...” 

Trần Tế Xương đặc biệt hơn tất cả, ông làm bài thơ thương xót Cò vợ:

“Quanh năm buôn bán ở ven sông

Nuôi đủ 5 con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ thôi đành phận

Năm nắng mười mưa chẳng quản công”. 

Nói chung một cái thân Cò như là hình ảnh của người đàn bà Việt nam, luôn hy sinh chịu mọi khổ cực, đắng cay vì con, vì chồng, vì đất nước . VN có hơn cả ngàn năm chiến tranh chống ngoại xâm và nội chiến, thân Cò cũng hơn cả ngàn năm theo đó mà tang thương.

Cò mẹ, Cò vợ, Cò con khóc hết nước mắt tiễn đưa con, đưa chồng, đưa cha ra trận rồi mất chồng, mất cha, mất con. Thân Cò trong chiến tranh gánh chịu bao nhiêu sinh ly tử biệt, có ai đếm?

Năm 1975 tưởng đã hòa bình từ đây Cò không còn lo lắng đến xót xa cả ruột gan khi nghe tiếng đại bác, tiếng súng xa xa vọng về, hy vọng mọi người sẽ được sống bình an, nhưng không, Cò lại phải ngược xuôi tảo tần, một tay nuôi con, nuôi cháu, tay kia xách bới cho chồng cho con đang bị cầm tù nơi rừng thiêng nước độc. Gồng gánh quà cáp băng rừng lội suối tìm đến tận nơi.  Rồi thì Cò nghe tin chồng, tin con mất xác ở một nơi nào.

Nắm bắt được cơ hội vượt đại dương tìm con đường sống thì một số Cò lại bị bỏ xác trên biển, bị hải tặc làm nhục. Vượt qua bao gian khổ đến đất khách quê người, Cò lại phải căng hết sức, cố gắng làm việc nuôi dưỡng gia đình.

Bây giờ một thế hệ Cò cũng đã đến gần cuối đời, Có Cò đã về miền cát bụi, có Cò thân thể bệnh hoạn, nhớ nhớ quên quên dù con cháu vẫn ở bên cạnh, có Cò cô đơn trong nhà dưỡng lão mỗi ngày chờ đợi thấy người thân.

Viết đến đây mình không muốn viết thêm, hình như đã đi xa đề tài CÒ ƠI rồi, mời các bạn trở về ngắm những hình con cò qua ống kính của mình, trích một đoạn ngắn bản nhạc “Nương Chiều” của cố nhạc sĩ Phạm Duy qua giọng hát nữ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh..

Mở đầu hay cuối bản nhạc có hai chữ được lập đi lập lại nhiều lần, Chiều ơi .. mà mình cứ hát theo Cò Ơi.

(Bch Lan viết tháng 8/2020)

* Càn Khôn Thập Linh là môn tài chi do Thầy Hằng Trường sáng tác, mục đích đem sức khỏe cho mọi người, có 10 thế: Thế đầu tiên là Càn, thế cuối cùng là Khôn, ở giữa có 8 con vật như Cóc, Trâu, Cò, Rồng, Phượng, Cọp, Bướm, Rùa, viết tắt là  CK10... Những năm gần đây Thầy có sáng tác thêm Càn Khôn biến thế  #1,#2,#3...