Monday, November 15, 2021

Kỷ niệm làm báo Đồng Khánh

(post lại)
Bài viết của Thầy HÀ THÚC HOAN, cựu giáo sư trường Đồng Khánh - Huế...
.
Hình bìa Đặc san Đồng Khánh..

K NIM LÀM BÁO ĐNG KHÁNH

.
"Kỷ niệm Đồng Khánh nói chung chẳng khác gì những cục than hồng vùi lấp dưới lớp tro tàn trong cái lồng ấp của mùa đông xứ Huế. Mong ước bài viết này là ngọn gió lành đến vào một sớm mai thổi bay lớp bụi, làm bùng lên ngọn lửa sưởi ấm trái tim người."
(Hà Thúc Hoan)
.
Báo Đồng Khánh nói đến ở đây là Tập văn nữ sinh Đồng Khánh cỡ 20 x 26cm, có phụ trương là bức tranh thiếu nữ của họa sĩ Đinh Cường, bìa ba màu do họa sĩ Tôn Thất Văn vẽ và được in offset ở Sài Gòn, 80 trang trong in typo ở nhà in Sao Mai - Huế. Báo Đồng Khánh là đặc san kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, ra mắt độc giả vào ngày 15 tháng 5 năm 1967. Năm học 66 – 67, chị Giáng Châu làm hiệu trưởng, tôi đặc trách phân ban báo chí thuộc ban văn nghệ và báo chí do anh Thái Quang Toản làm trưởng ban. Cuối năm 1966, theo sáng kiến của bà hiệu trưởng, tôi làm báo Đồng Khánh trong hơn nửa năm và đã có nhiều kỷ niệm khó phai mờ.
.
1. Trường Đồng Khánh ra báo thì giáo sư đặc trách báo chí tự nhiên trở thành ông chủ bút. Chủ bút của báo chí học đường thường kiêm nhiệm phần hành của thư ký tòa soạn và các biên tập viên, đồng thời phụ trách thêm nhiều tạp vụ như đi lấy quảng cáo, quan hệ với họa sĩ, làm việc với nhà in, mang báo đến các nhà sách để nhờ phát hành rộng rãi, v.v. Năm ấy tôi là một thầy giáo trẻ, độc thân, nên sau những giờ dạy ở trường vẫn còn đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ. Làm báo Đồng Khánh, tôi may mắn có đội ngũ cọng tác viên đông đảo là hàng trăm nữ sinh trẻ trung, nhiệt tình và yêu văn chương. Có thể nói nữ sinh Đồng Khánh viết báo là gần như cả thành phố Huế sáng tác văn thơ. Trong số mấy trăm văn bản học sinh nộp cho giáo sư, thế nào cũng có những bài viết đã được các bậc phụ huynh góp ý công phu, và chắc chắn không thiếu những tác phẩm là thành quả sau nhiều ngày đêm lao tâm khổ tứ của các chàng trai đất thần kinh muốn làm vui lòng người đẹp Đồng Khánh.
.
Nếu không nhận được sự giúp đỡ của một số bạn đồng nghiệp thì dù cố gắng hết sức tôi cũng khó mà làm tròn nhiệm vụ. Tôi xin bày tỏ ở đây lòng biết ơn đối với quý thầy cô dạy Việt văn đã hưởng ứng hoạt động của ban báo chí bằng cách khuyến khích học sinh viết bài. Trong số này, chị Thanh Tâm là người tích cực nhất. Chị đã theo dõi bài viết của học sinh lớp mình phụ trách môn Việt văn, rồi trực tiếp góp ý với tôi về giá trị nội dung bài thơ Ước mơ của N.T.T.C (II A2). Dạy Anh văn, nhưng chị Nguyệt cũng chịu khó đọc bản thảo và giúp tôi nhận ra ý nghĩa của chủ đề tình bạn đã được Phan Ngọc Bích (IV1) thể hiện một cách có nghệ thuật qua truyện ngắn Hoa thương yêu. Bà hiệu trưởng Giáng Châu dù bận rộn nhiều việc cũng dành thì giờ đọc một số bài văn và khen Võ Cẩm Tú (IV4) đã viết truyện ngắn Thanh để ca ngợi nghề dạy học. Tác giả hai đoản thiên này đều được nhận phần thưởng về truyện ngắn.
.
Tôi xin được nhắc lại ở đây sự hỗ trợ tự nguyện, vô tư, công tâm và rất có hiệu quả của anh Hồ Hữu Hạnh. Anh Hạnh theo chuyên ngành Anh văn mà giỏi Việt văn. Anh Hạnh không những khích lệ học sinh tích cực viết báo mà còn giúp tôi chọn giúp đỡ một học trò giỏi khác viết bài báo có lời và ý rất lạ, bây giờ tôi chỉ còn nhớ mang máng đại ý bài văn nói đến một cái gì đó rất đẹp về thiên nhiên. Nếu anh Hạnh bài hay để đăng báo, phát hiện những tác phẩm có giá trị để trao giải thưởng. Dưới sự hướng dẫn của thầy Hạnh, Huỳnh Yến Tuyết (IIIA4) đã hoàn thành bản dịch Dấu ngón tay cái (của Mark Twain), Nguyễn Mai Hoa (IIIA4) đã hoàn tất bản dịch Ngọc nữ (của Lâm Ngữ Đường ). Rất tiếc là do số trang báo có giới hạn nên hai dịch phẩm này “phải gác lại vào một dịp khác”! Theo tôi biết, anh Hạnh còn nói ra sự hướng dẫn của mình, hoặc nêu nhận xét về giá trị của bài báo, tôi đã đưa tác phẩm này vào đặc san Đồng Khánh. Nhưng anh Hạnh đã giữ im lặng để dành cho tôi sự tự do và khách quan trong khi chọn lựa, và tôi đã loại bài này vì thấy không phù hợp với chủ đề chung của tờ báo là học đường, tuổi trẻ và tình yêu đất nước. Đến lúc đó, anh Hạnh đọc một vài đoạn, phân tích cái hay của tác phẩm và tôi đã quyết định đăng bài viết ấy. Nhưng cũng vào lúc ấy, anh Hạnh lại không muốn đăng bài này nữa!
.
Đồng Khánh ra báo thì bà hiệu trưởng đương nhiên trở thành bà chủ nhiệm. Bà chủ nhiệm cho ông chủ bút toàn quyền quyết định ngoại trừ một việc là tiêu tiền! Chi tiêu khoản gì, tôi phải gặp thủ quỹ là chị Tường Loan để trình bày và ký nhận chi phí. Nhờ thu chi đúng nguyên tắc tài chánh mà tôi đã yên tâm làm việc, không sợ gặp phải những lời đàm tiếu quanh co về tiền bạc có thể xuất hiện sau này. Công vụ phức tạp, đa đoan ở phòng hiệu trưởng có ảnh hưởng đến sức khỏe vốn không được dồi dào của chị Giáng Châu. Nhưng chị vẫn cố gắng làm việc để đặc san Đồng Khánh được hoàn thành đúng thời hạn. Có một lần, gặp việc cần giải quyết gấp mà sức khỏe của chị không được ổn định, tôi phải đến tư thất bà hiệu trưởng ở gần Đập Đá để làm việc bên giường bệnh. Chị đã hết lòng với tờ báo như vậy mà khi đặc san ra mắt độc giả, tôi không đủ khôn ngoan và tế nhị để mang một số Đồng Khánh còn thơm mùi giấy mực đến phòng hiệu trưởng mừng công và báo công! Lý do là tâm trí tôi lúc ấy đang lo nghĩ kế hoạch phát hành hàng ngàn số báo với giá 30 đồng ở trong trường và 40 đồng ở ngoài trường. Bây giờ, tuy không nhớ rõ số tiền nhà trường cho mượn là bao nhiêu, nhưng tôi nhớ rõ 1500 số báo đã được bán hết trong một thời gian ngắn để trả đủ số nợ mà tôi đã ký nhận ở chị Tường Loan. Kết quả là trường không phải hao tốn một đồng bạc mà vẫn có được một tờ báo in “hoành tráng”, còn giáo sư phụ trách thì không còn giữ riêng cho mình một ít tập báo để tặng ban giám hiệu và bạn đồng nghiệp. Tôi không biết bà chủ nhiệm đã xoay trở cách nào để có một số báo Đồng Khánh mà tặng ngược lại ông chủ bút đúng vào ngày báo phát hành, với lời đề tặng hoa mỹ, khúc chiết mà trân trọng và đầy tình thân ái:
.
Anh Hoan,
Năm, bảy năm nữa, khi ‘nhiều nước đã chảy dưới cầu’, Tập san này nhắc nhở Anh những gì? Anh có còn nhớ nỗi niềm ưu tư, từ khi các bài báo còn trong trứng nước, rồi giai đoạn dấn thân đứng mũi chịu sào…, để rồi tác phẩm hoàn thành cũng chưa được giải thoát vì đã ‘trót mang lấy nghiệp vào thân’ chăng? Âu cũng là số phận những ai đã chọn nghề hướng trẻ! Ít dòng viết tặng anh để thay thế bao lời tri ân của nữ sinh đối với vị Trưởng ban báo chí tận tụy và đa cảm.”
.
2. Kết thúc Lời ngỏ của ban báo chí đăng ở cuối tập san, tôi viết câu : “Ước mong Đồng Khánh là một gương mặt mang nhiều gương mặt, là một tâm hồn của những tâm hồn để mọi người đều có thể tìm thấy bóng dáng mình mỗi khi có Đồng Khánh ở trước mắt.” Để thực hiện mong ước ấy, tôi đã tuyển chọn đủ bài viết của học sinh ở bảy khối lớp để đưa vào đặc san.
.
Đại diện cho học sinh các lớp đệ thất (lớp 6) là Nguyễn Minh Phương, tác giả đoản văn có đầu đề rất dễ thương là Trìu mến. Minh Phương “trìu mến” cô giáo dạy Lý hóa “đẹp như một nàng tiên”, có tiếng nói của “loài họa mi”, có “ánh mắt chứa đầy yêu thương” và thường mặc “áo dài màu tím dịu dàng, tha thướt” vào những sáng mùa thu lành lạnh. Với Trìu mến, bài báo duy nhất nói về tình thầy trò của Đồng Khánh, em út Minh Phương đã thay mặt cho tất cả các chị để thắm thiết bày tỏ lòng kính mến quý thầy cô.
.
Đại diện không thể thay thế của học sinh khối đệ lục (lớp 7) là Trần Thùy Mai, tác giả đoản văn Thơ ấu và học đường và bài tường thuật Ngày trại Trưng Vương. Ở lứa tuổi “thơ ấu” mà tác giả đã có thể viết về “học đường” với ý tưởng độc đáo của một cây bút có bản lĩnh: “Đối với riêng tôi, học đường không hấp dẫn bởi những bài học được nhắc đi nhắc lại hàng ngày. (…) Tôi nghe và hiểu bài vì mọi người bảo tôi rằng bổn phận tôi là nghe và hiểu bài. Chỉ có thế mà thôi. Nhưng cái làm cho học đường thêm đẹp đẽ, thêm cao quí là tình bạn.” Với ý tưởng sâu sắc, với bút pháp của một tài năng không đợi tuổi, tác giả Ngày trại Trưng Vương đã làm cho tôi phải ngạc nhiên, thích thú mà nghĩ rằng thầy giáo dạy Việt văn như mình cũng khó mà viết một bài tường thuật phong phú và sinh động như thế. Tác giả Thơ ấu và học đường là học sinh lớp đệ lục Trần Thùy Mai ngày ấy - tác giả Trăng nơi đáy giếng là nhà văn Trần Thùy Mai đã thành danh hôm nay - xứng đáng nhận lãnh phần thưởng về văn xuôi của Tập văn nữ sinh Đồng Khánh.
.
Chọn chủ đề là tình bạn như Thùy Mai, thay mặt mấy trăm học sinh các lớp đệ ngũ (lớp 8), Nguyễn Thị Lan Hương góp tiếng nói bằng bài viết có đầu đề là Tuổi học trò. Bài viết này khá dài, được tạo thành bởi nhiều lời đối thoại, vui đùa tưởng như không có chỗ dừng của một nhóm học sinh đang trên đường về nhà vì lớp không có giáo sư. Người đọc tìm gặp ở đó nhiều tiếng cười hồn nhiên, vô tư và có phần nghịch ngợm của những cô gái vừa rời bỏ tuổi thơ nhưng cũng chưa trở thành người lớn.
.
Khối đệ tứ (lớp 9) có nhiều bài viết giá trị. Ngoài hai truyện ngắn được giải thưởng đã nói trên, Ngô Anh Hoa (IV1) gởi đến đặc san hai bài thơ khơi dậy được niềm tin và nỗi tự hào của nữ sinh Đồng Khánh. Bằng lối viết giản dị, tự nhiên, trong Đồng Khánh của bé, Anh Hoa kể chuyện một chàng trai Quốc Học đã có lần mỉm cười chế diễu “Đồng Khánh là quái gì / Mà bé cứ ca mãi?, rồi đến một hôm …“Mắt mơ mộng xa vời (…) Đúng rồi em bé ơi/ Đồng Khánh đẹp quá sức!”. Cũng bằng phong cách ấy, trong Đồng Khánh, Anh Hoa tường thuật câu chuyện một bà tiên áo đỏ giáng trần, sau khi biết có thể tìm lại tuổi thơ, tuổi hoa mộng và cuộc đời đã mất ở Đồng Khánh, bà đã đến thăm trường và quyết định thay màu trắng “Cho bộ xiêm y mình/ Rồi trở lại thiên thai”, làm cho “Bầy tiên nương rực rỡ/Ngừng chơi nhìn sững sờ”...” Nếu không vướng nguyên tắc đã định trước là cho học sinh đệ nhất cấp phần thưởng về văn xuôi, dành phần thưởng về văn vần và tùy bút cho học sinh đệ nhị cấp, ban báo chí đã tặng cho Ngô Anh Hoa giải thưởng về thi ca.
.
Trong khối đệ tam (lớp 10), học sinh ban C tỏ rõ ưu thế. Tùy bút dạt dào cảm xúc Nắng trường của Lê Thị Liên (IIIC2) có đủ nắng thu “hiền hòa ấm dịu”, nắng đông “hờn dỗi trốn vào mây”, nắng xuân “tưng bừng rực rỡ” và nắng hạ “rộn rã, nồng nàn như bầu nhiệt huyết của tuổi học trò”. Bài thơ Nét giao sơ của Hồ Thị Quãng (IIIC2) khắc họa hình ảnh “Cô học trò tung áo trắng thơ ngây? Trên đường quen và hoa nắng rơi đầy/ Cô cúi mặt nhìn chân vui bước mãi”. Lớp đệ tam C1 nổi trội với 48 học sinh mà đã đóng góp cho đặc san một số bài viết kỷ lục là 52 bài, trong đó có bài thơ Lời ca tâm tư do Ngọc Mai thay mặt cho những cô gái đủ khôn lớn để nói lên những thao thức, ưu tư về thời cuộc : “Hai mươi năm, lịm nụ cười / Đêm đêm súng đạn thay lời tình nhân”. Với thành tích ấy, lớp đệ tam C1 được ban báo chí trao tặng phần thưởng thiện chí.
.
Đặc san Đồng Khánh là sân chơi, là đất dụng võ của học sinh hai lớp đệ nhị C (lớp 11). Với Dấu xưa lạc mất, Mộng Hiền (IIC2) đoạt giải thưởng dành cho thể loại thi ca, vì đã thể hiện được ý nghĩa thâm thúy, vĩnh hằng của tình bạn – tình yêu bằng ngôn ngữ thơ: “Ghế đá công viên kỷ niệm ngày nào tươi thắm/ Giờ chia xa đếm được mấy năm rồi/ Chúng mình quen nhau độ ấy một lần thôi/ Chừ hun hút lối về vần thơ không ngọt nữa.” Cũng với chủ đề tình bạn, Ngô Thị Cần (IIC1) viết đoản văn Về Diễm, giãi bày nỗi nhớ thương người bạn hiền vì hoàn cảnh gia đình mà phải bỏ học nữa chừng để làm việc kiếm tiền nuôi thân và giúp đỡ mẹ. Sáng tác truyện ngắn Vùng tuổi thơ, Xuân Phúc (IIC1) ngậm ngùi tiếc nuối tuổi thơ đã mất cùng một lần với chuyến đi rời xa quê hương tuổi nhỏ là thành phố biển Nha Trang. Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, Lê Thu Nguyệt (IIC1) viết Sinh nhật nàng, nhân hóa Đồng Khánh thành bà mẹ hiền ở lứa tuổi năm mươi, nhưng “da thêm hồng”, “tóc thêm xanh” để “gây niềm tin” và “hòa đồng điệu sống” với đàn con trẻ. Qua tùy bút có nhan đề là Phượng, Thu Nguyệt nhân hóa loài cây “ gắn bó với tuổi học trò” để ca ngợi “những chất liệu trong lành của thế giới tuổi trẻ”. Dưới ngòi bút của Tôn Nữ Vui (IIC1), tác giả bài văn giàu cảm xúc và nhiều tư liệu có tên gọi là Đồng Khánh năm mươi năm, ngôi trường mái đỏ tường hồng bên bờ sông Hương là “một chứng nhân bất diệt đã mục kích bao niềm đau dân tộc, trong đìu hiu của vô vàn nỗi buồn tỏa rộng hồn người”. Tuy thế, cũng như ở bài viết của Lê Thu Nguyệt trước đó, cái đọng lại sau cùng ở bài viết của Tôn Nữ Vui vẫn là niềm tin mãnh liệt ở tuổi trẻ, đất nước và cuộc đời : “Bạo cuồng, thù hận đến mấy rồi cũng bị hủy diệt – nhường chỗ cho lẽ phải, cho hiền lương – để tuổi trẻ mãi mãi là niềm hy vọng của cuộc đời.” Với hai bài viết có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ra báo Đồng Khánh để kỷ niệm năm mươi năm ngày thành lập trường, Lê Thu Nguyệt và Tôn Nữ Vui xứng đáng nhận lãnh phần thưởng về tùy bút.
.
Những học sinh ở khối đệ nhất (lớp 12) thường bận rộn với kỳ thi Tú tài toàn phần ở cuối năm và những lo nghĩ về nghề nghiệp làm ăn sinh sống trong tương lai. Cho nên, mãi đến khi ban báo chí đã hoàn tất việc xét duyệt những bài báo được giải thưởng để kịp công bố vào lễ Trưng Vương được tổ chức trong tháng ba, nhiều học sinh đệ nhất mới bắt đầu viết bài và nộp bài .Vì đến giữa tháng năm báo mới ra mắt độc giả, nên các chị cả của gia đình Đồng Khánh vẫn còn cơ hội để góp tiếng nói. Đó là Nguyễn Khoa Diệu Hoa (IC1) tác giả bài biên khảo công phu về Thảm trạng phụ nữ Việt Nam…, Thy Thy Thảo (IC1), tác giả bài thơ dài Xin truy niệm, Mười – A – Hai (IA2), tác giả truyện ngắn Mặt trời và bài thơ Vết chân chim, Hồ Thảo Trang (IC1) và Hàn Phùng Ngọc(IA3), đồng tác giả bài Phỏng vấn quan khách…. Ban báo chí xin ghi nhận ở đây, dù quá muộn màng, thiện chí của các bạn học sinh khối đệ nhất, những người thường được xem là không còn nhiều duyên nợ với mái trường Đồng Khánh.
.
Đúng như tác giả Thơ ấu và học đường đã khẳng định, “cái làm cho học đường thêm đẹp đẽ, thêm cao quí là tình bạn”. Qua vô vàn đổi thay của đất nước và cuộc đời, khi trường lớp không còn nữa, tình bạn trong sáng ấy vẫn tồn tại để làm cảm hứng bất tận cho tác giả bài viết này và nhiều cây bút khác trong những tập Đồng Khánh trường xưa ở trong nước và nhiều Lá thư phượng vỹ ở nước ngoài. Không hẹn mà nên, tuổi tác càng cao thì những người con của Đồng Khánh năm xưa càng sống nhiều với quá khứ và viết nhiều về tình thân hữu Đồng Khánh, như con tằm mùa xuân đến thác mới ngừng nhả tơ, như cây đèn sáp chỉ thôi chảy nước mắt khi cái tim đã thành tro bụi:.
.
“Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thủy can.”
( Lý Thương Ẩn, Vô đề )
.
Hà Thúc Hoan.
20.7.11..
..
Mời các bạn đọc lại bài "Nét Duyên xứ Huế" (trang 5 và 6) và "Danh sách Hội đồng Hướng dẫn..." (trang 52) được "scan" từ Tập San Đồng-Khánh (bản tái bản)
.
..
.